Thai nhi 6 tuần bị chết lưu cần phải làm gì?
Thai chết lưu – Thai nhi 6 tuần bị chết lưu cần phải làm gì? có phải cháu bị nhiễm độc thai nghén không? hay là vì sức khỏe không được ổn định?
Thai nhi 6 tuần bị chết lưu cần phải làm gì?
Hỏi
Chào Bác sĩ! Năm nay cháu 19 tuổi, cháu lấy chồng được 3 tháng thì mang bầu. Khi cháu tắc kinh 2 tuần thử thì không lên vạch, 3 ngày sau cháu thử lại thì lên 2 vạch nhưng mời. Sức khỏe của cháu không được ổn định. Khi phát hiện cháu có bầu cháu cảm thấy mệt mỏi hơn. Nhưng có điều tại sao cháu nghén chỉ có 3 ngày ăn gì nôn đấy, sau đó cháu ăn uống lại được bình thường, nhưng cháu lại hay bị đau bụng dưới. Cháu cũng có ăn trứng gà với ngải cứu nhưng không ổn. Cháu đi siêu âm người ta bảo cháu bị thai chết lưu phải cho ra. Vậy thưa Bác sĩ liệu có phải cháu bị nhiễm độc thai nghén không? hay là vì sức khỏi của cháu không được ổn định. Và liệu lần sau cháu mang bầu có như lần này không? Và trước khi chuẩn bị mang bầu cháu cần phải làm gì để chuẩn bị cho lần mang thai kỳ sau. Mong Bác sĩ tư vấn giúp cháu. Cháu cảm ơn Bác sĩ nhiều.
Đáp
ThS. Đinh Anh Tuấn-Sức khỏe sinh sản-Vụ sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em – Bộ Y tế
Thai nhi 6 tuần bị chết lưu cần phải làm gì?
Cháu thân mến,
Cháu đi siêu âm Bác sĩ bảo cháu cháu bị thai lưu, vậy là rõ rồi, lần mang thai này của cháu không thành công và bây giờ phải cho thai ra. Thai lưu là thai đã chết trong tử cung, cần cho thai ra càng sớm càng tốt vì để lâu có thể gây những biến chứng cực kỳ nguy hiểm như nhiễm trùng tử cung, chảy máu…
Để cho thai ra một cách an toàn, cháu phải nhờ đến Bác sĩ chuyên khoa phụ sản. Bác sĩ cần làm một vài thủ thuật nhỏ để lấy thai ra và kê đơn thuốc cho cháu uồng khi về nhà, đồng thời dặn dò những điều cần thiết về cách tự chăm sóc bản thân sau thủ thuật và theo dõi nhằm phát hiện kịp thời những dấu hiệu nguy hiểm để kịp thời xử trí. Cháu tuyệt đối không được hỏi người bán thuốc hoặc tự ý mua thuốc về uống, cũng không nên đến các cơ sở phá thai bất hợp pháp vì như vậy sẽ có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như sót rau, sót thai, nhiễm trùng, chảy máu ảnh hưởng đến tính mạng và khả năng sinh đẻ.
Cháu cũng cần lưu ý, sau khi lấy thai ra, cháu cần chờ sau 1-3 chu kỳ rồi mới có thai trở lại để cho niêm mạc tử cung hồi phục hoàn toàn sau thủ thuật. Trong thời gian này các cháu cần áp dụng một biện pháp tránh thai tạm thời như bao cao su hoặc xuất tinh ngoài âm đạo…Ngoài ra để chuẩn bị cho có thai lần tới, cháu cần giữ gìn sức khỏe, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi, làm việc và sinh hoạt điều độ, không dùng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá…Khi đã có thai, cần lưu ý nhẹ nhàng, hợp lý khi quan hệ vợ chồng đẻ tránh ảnh hưởng đến sự làm tổ và phát triển của thai nhi trong tử cung.
Sở dĩ phụ nữ có thai bị nghén là do một loại nội tiết tố do rau thai tiết ra, có người nghén nặng, có người chỉ thoáng qua hoặc thậm chí không nghén. Đối với hầu hết phụ nữ có thai, triệu chứng nghén sẽ mất đi sau 3-4 tháng đầu của thai kỳ. Trường hợp của cháu nghén 3 này sau đó hết nghén là do khi thai bị lưu thì rau thai cũng chết, không tiết ra nội tiết tố được nữa nên hết triệu chứng nghén.
Nhiễm độc thai nghén là một tình trạng nặng, với các triệu chứng chính là phù, cao huyết áp và xét nghiệm nước tiểu có protein. Nhiễm độc thai nghén chỉ gặp ở một số ít phụ nữ có thai, còn triệu chứng nghén thì lại gặp ở hầu hết mọi người. Vậy cháu có thể yên tâm rằng cháu chưa có dấu hiệu gì của nhiễm độc thai nghén cả. Tuy nhiên, lần sau, ngay sau khi phát hiện có thai cháu cần đến khám thai định kỳ ở cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn để biết cách tự chăm sóc trong khi mang thai và sinh nở cũng như nuôi con sau này.
Chúc cháu luôn hạnh phúc!
Theo songkhoe
Leave a Reply